BẢO VỆ DỮ LIỆU THÔNG TIN TRONG TỔ CHỨC

Việc doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ không quan trọng, bạn cần ưu tiên bảo mật dữ liệu. Đây là một yếu tố quan trọng giúp bảo vệ tất cả các thông tin có giá trị và giữ cho doanh nghiệp của bạn hoạt động trơn tru.

1. Định nghĩa về bảo mật dữ liệu

Bảo mật dữ liệu liên quan đến việc đưa ra các kiểm soát cụ thể, chính sách tiêu chuẩn và quy trình để bảo vệ dữ liệu khỏi một loạt các vấn đề, bao gồm:

  • Truy cập trái phép từ bên ngoài
  • Mất cắp thiết bị
  • Cố tình / vô tình truyền dữ liệu ra bên ngoài từ bên trong

Bảo mật dữ liệu có thể bao gồm các công nghệ nhất định có thể được thực hiện ở mọi nơi. Có thể kết hợp khía cạnh vật lý của bảo mật để hạn chế quyền truy cập, thao tác hoặc tiết lộ dữ liệu nhạy cảm. Hầu hết các tổ chức, dù ít nhiều vẫn sẽ luôn có một số phương thức kiểm soát bảo mật dữ liệu.

Các cách kiểm soát này cũng có thể bao gồm thực hiện các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn truy cập trái phép vào trang web, máy tính và bất kỳ loại cơ sở dữ liệu cá nhân hoặc doanh nghiệp nào.

2. Lợi ích của bảo mật dữ liệu

Mất hoặc tiết lộ trái phép dữ liệu có giá trị có thể gây ra tổn thất rất lớn cho một tổ chức. Đó là lý do bảo mật dữ liệu là rất quan trọng. Ví dụ:

  • Bảo vệ tất cả các thông tin có giá trị:Thông tin nhạy cảm không bao giờ được phép rò rỉ. Cho dù chúng ta đang nói về thông tin khách hàng của ngân hàng hoặc thông tin bệnh nhân của bệnh viện hoặc thông tin về bảng lương của bất kỳ tổ chức nào đó, chúng đều rất quan trọng và không thể được tiết lộ cho những người không liên quan. Bảo mật dữ liệu là giữ cho tất cả các thông tin này ở đúng nơi và chỉ được đúng những người có thẩm quyền có khả năng truy cập.
  • Quan trọng đối với danh tiếng của tổ chức:Bất kỳ tổ chức nào có thể giữ bí mật sẽ giúp xây và gây dựng niềm tin đối với tất cả các bên liên quan bao gồm cả các đối tác và khách hàng, những người biết rằng dữ liệu của họ sẽ được bảo vệ và giữ bí mật.
  • Tiếp thị và cạnh tranh:Giữ thông tin nhạy cảm khỏi sự truy cập và tiết lộ bất hợp pháp giúp tổ chức vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh. Ngăn chặn mọi quyền truy cập trái phép vào các kế hoạch kinh doanh hoặc mở rộng thị trường là chìa khóa trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh của tổ chức.
  • Tiết kiệm chi phí phát triển và hỗ trợ: càng sớm đưa các tính năng bảo mật vào ứng dụng của mình, càng ít chi phí phải trả hơn cho các chi phí hỗ trợ và ứng cứu nào trong tương lai về mặt ứng cứu dữ liệu, sửa lỗi các ứng dụng.

3. Nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật dữ liệu kém

Các doanh nghiệp càng phát triển về công nghệ, hệ thống của họ càng dễ bị tấn công. Bảo mật dữ liệu kém có thể khiến công ty của bạn gặp phải những nguy hiểm sau:

  • Chi phí để trả tiền phạt và xử lý kiện tụng tốn kém:Vi phạm dữ liệu thường là vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến các hành động pháp lý từ khách hàng hoặc đối tác đối với một tổ chức. Việc không tuân thủ bất kỳ quy định bảo vệ dữ liệu hiện hành của các tổ chức lớn hoặc của chính phủ có thể dẫn đến tiền phạt rất lớn tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
  • Thiệt hại về danh tiếng:Quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu rất quan trọng, đặc biệt là đối với khách hàng sử dụng dịch vụ của tổ chức. Nếu tổ chức không giữ được dữ liệu của khách hàng bí mật và an toàn, thì họ sẵn sàng rời bỏ và ngưng sử dụng dịch vụ. Khách hàng có xu hướng mất niềm tin vào một công ty không thể bảo vệ thông tin cá nhân của họ. Tổn thất trong hoạt động kinh doanh và danh tiếng bị tổn hại thường có thể còn tốn kém hơn so với các khoản phạt pháp lý.
  • Tổn thất kinh doanh:Những kẻ tấn công mạng cao cấp không chỉ truy cập và khai thác thông tin nhạy cảm; họ có thể xóa thông tin hoặc huỷ hoại cơ sở dữ liệu chứa các thông tin giá trị. Hoặc các hacker có thể nhúng một loại virus có sức tàn phá cao, lây nhiễm vào toàn bộ hệ thống, chẳng hạn như ransomware, yêu cầu thanh toán phí chuộc để lấy lại quyền truy cập dữ liệu nhạy cảm.

Bảo mật dữ liệu kém có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của bạn.

4. Những hành động bạn nên làm để bảo mật dữ liệu

Nếu một tổ chức muốn bảo vệ dữ liệu của mình, thì các việc sau đây là nên làm để đạt hiệu quả tốt nhất:

  • Sử dụng các công cụ và biện pháp công nghệ để bảo vệ như giải pháp Tường lửa (Firewall), Chống thất thoát dữ liệu (DLP), Mã hoá (Encryption): các biện pháp công nghệ nhanh chóng, hữu hiệu và có thể giám sát quản lý tập trung đem lại góc nhìn tổng thể về khả năng bảo vệ và sử dụng dữ liệu cũng như là một hợp đồng bảo hiểm đối với các dữ liệu có thể bị xảy ra thất thoát bất kỳ lúc nào.
  • Đào tạo nhận thức và quy trình cho nhân sự:Đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều có kiến thức cần thiết liên quan đến các chính sách sử dụng dữ liệu và nguyên tắc bảo mật của công ty. Nhân viên cần có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm trong khi cũng hiểu về hành động có thể được thực hiện trong quá trình làm việc của tổ chức.
  • Thực thi sao lưu dữ liệu: Tất cả dữ liệu, cho dù cơ sở dữ liệu nhân sự, bảng tính điện tử hoặc tệp kế toán, đều phải được sao lưu. Trong trường hợp lỗi phần cứng hoặc phần mềm, vi phạm hoặc bất kỳ lỗi nào khác đối với dữ liệu; một bản sao lưu cho phép doanh nghiệp tiếp tục với sự gián đoạn tối thiểu. Lưu trữ các tệp ở nơi khác cũng có thể nhanh chóng xác định số lượng dữ liệu bị mất và/hoặc bị hỏng.